QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Friday, May 8, 2015

Ngày Hội Ngộ Văn Hóa Phụ Nữ Việt Nam Toàn Cầu toả sáng trong Tháng Tư Đen 40 năm tị nạn.



Ngày Hội Ngộ Văn Hóa Phụ Nữ Việt Nam Toàn Cầu toả sáng trong Tháng Tư Đen 40 năm tị nạn.


alt
Nữ tác giả Trần Khải Thanh Thủy phát biểu trước cử tọa đông đảo.
Photo by Nguyễn Minh.


Văn học Việt Nam dưới ách cai trị của đảng Cộng Sản.


Kính thưa bà con, cô, bác, anh, chị, em có mặt trong hội trường hôm nay!
Thưa toàn thể các bạn đồng nghiệp yêu quý của  tôi!
Trong 30 thứ tang mà đảng cộng sản dành cho dân tộc Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 (từ vượt biển, ép dân đi kinh tế mới, đổi tiền, đánh tư sản mại bản, xua người dân vào cái đũng chật hẹp của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa “bao nhiều, cấp ít” v.v… ) thì văn học cũng bị bức tử không thương tiếc, trở thành niềm thương, nỗi nhớ, sự đau đớn, xót xa cho những người hiểu biết, có lương tri thời đại, đặc biệt là có lương tâm văn học.
Nếu coi xã hội Việt Nam là một máy vi tính khổng lồ, gồm hai phần chính là “ổ cứng” và “ổ mềm”, thì phần “ổ cứng” bao gồm sông hồ, rừng núi, biển đảo, tài sản, tài nguyên thiên nhiên v.v… còn “ổ mềm” chính là nền văn hóa của xã hội Việt Nam hiện tại.
Trong chiến tranh, bàn tay các đồng chí nhuốm máu đồng bào mình theo khẩu hiệu nằm lòng, sặc tanh mùi máu: “Cơm xào thịt giặc mới ngon. Canh chan máu thù thì lòng mới cam” nên trong thời bình, bàn tay các đồng chí tiếp tục tàn sát đồng bào mình qua các công cuộc, cướp bóc, bắt bớ, bán chác v.v… Bán từ kho vũ khí Long Bình đến thềm lục địa, cùng bao nhiêu tài sản thiên nhiên của đất nước. Từ đất hiếm (chứa nhiều kim loại quý) cho Nhật Bản, dầu thô cho Nga, rừng đầu nguồn, Bô xit Tây nguyên, vỉa than lớn nhỏ cho Tàu, bãi biển cho Hồng Kông, nhà máy, cơ xưởng cho Đài Loan, Hàn Quốc v.v…  Chưa kể bao nhiêu người nằm vật vờ trên sóng nước, trên con đường vượt biển. Bao nhiêu sĩ quan Cộng Hòa chỉ còn là những nắm xương di động trên mặt đất  hoặc xương khô trong mả. Nhiều gia đình bằn bặt tin cha, anh, chồng, khi tìm vào  trại thăm nuôi, chỉ còn một cách  duy nhất là thuê người đào trộm mộ đem nắm xương khô cô quạnh về lại quê nhà. Nghĩa là từ “cải tạo” thành cải táng, cải mả (Người chịu đựng được 3 tháng, người 1 năm, người 20 năm )... Hàng triệu người đã chết trong các trại tập trung trá hình, vì không chịu nổi sự bạo hành  tàn tệ của  bè lũ cán bộ, sự khắc nghiệt của thời tiết nơi rừng sâu nước độc. Chính vì thế, dưới sự cai trị nham hiểm bậc thầy của đảng cộng sản, tất cả những gì thuộc về “ổ cứng” đều bị trầy vi xước vẩy, móp méo, biến dạng, thể hiện  rõ nét qua những điều chúng ta đã và đang  nhìn thấy ở Việt Nam trong vòng 40 năm qua.
Bởi văn hóa là “phần mềm” trong cơ thể xã hội, nên cũng như “phần cứng” trong chiếc vi tính khổng lồ gồm 90 triệu người (tạm coi là 90 triệu linh kiện), văn hóa cũng bị bầm dập,  bóp nát. Giữa thời hội nhập toàn cầu đầu năm 2015, Hà Nội từ một thành phố 4000 năm văn hiến trở thành thành phố vô văn hóa. Cụ thể văn hóa giao tiếp không, văn hóa giao thông không, văn hóa xã hội lại càng không, bởi trên môi người dân Hà Nội nào, từ thằng bé 5 tuổi đến các ông già, bà cả 60, 70 cũng tươi roi rói tiếng chửi, câu thề, nói lóng, nói trại. Giao thông hỗn độn chưa từng thấy, tất cả tràn ra đường, tranh cướp nhau từng cen-ti-mét đất, hễ người này sơ ý chạm vào xe người kia là có tiếng  chửi: - “Đ.m. mày, thích  rúc vào đít ông à?”. Còn nếu là phụ nữ thì tiếng chửi nanh nọc hơn: -“Thằng mặt...” Ngay sau đó là một đám chen lấn xô đẩy, người ta sẵn sàng quẳng xe xuống lề đường để xông vào cô gái kia, làm một việc vô cùng vô văn hóa là tụt bằng được quần cô ta để chứng minh những lời cô vừa nói xem mặt của người bị chửi, có giống “mặt dưới” của cô ta không?
Còn Sài Gòn, từ Hòn ngọc Viễn đông trong thời Việt Nam Cộng Hòa trở thành điểm đen, đất dữ trong thời cộng sản, không những với người dân trong quốc nội còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của Việt Kiều và du khách nước ngoài với  tỷ lệ tội phạm  tăng vọt chưa từng thấy. Những hình ảnh mà 40 năm trước người dân Sài Gòn chưa từng phải chứng kiến thì hiện tại nhan nhản trên đường phố. Nhiều cặp vợ chồng du khách, mặt nhợt nhạt, miệng méo xệch, ngực đeo tấm biển: -“Tôi là người nước ngoài, bị kẻ cắp lấy toàn bộ tài sản, vật dụng, tiền bạc, giấy tờ... Xin chỉ đường cho tôi tới đại sứ quán  của  nước tôi để xin cấp lại visa và ứng tạm ít tiền về nước”. Nhiều cháu bé buổi sáng còn chào ba mẹ đi học, mắt long lanh, miệng mỉm cười mà đêm về đã thành cái xác không hồn vì bị ăn cắp nội tạng từ tim, gan, thận v.v…
Vì thời gian có hạn xin nói về nền văn học Miền Bắc sau 70 năm  cai trị của Đảng Cộng Sản VN, bởi ai cũng biết, văn học là một phần quan trọng trong “ổ mềm” văn hóa nước nhà.
Ngay từ 1945 sau khi cướp được chính quyền từ tay nhân dân, đảng cộng sản đã coi Văn Nghệ  như một thứ công cụ chính trị để mị dân, trấn áp người tài để bóp nghẹt tự do ngôn luận. Chính vì vectơ chuyển động của đảng cộng sản về phía cái ác, cái xấu và cái dốt, nên bốn tiêu chuẩn đặc trưng của lãnh đạo cộng sản Việt Nam là: Nhất dốt, nhì tham, tam ngông, tứ độc. Tất cả các nhà văn nếu không chịu tuân theo các tiêu chuẩn này thì dù tác phẩm có hay đến mấy cũng bị bóp nghẹt từ trong trứng.
Nhà văn, nghệ sĩ, thay vì sinh ra để phụng sự chân, thiện, mỹ, để nói thật, tạo động lực cho xã hội phát triển, cũng là tạo ra cho xã hội loài  người những di sản đẹp thì đảng bắt họ còng lưng, quỳ gối, uốn ba tấc lưỡi để nói những điều dối trá, triệt tiêu chân lý, đến mức người dân phải sửa thơ Phùng quán từ 60 năm trước để đau đớn thốt lên: “Đem bục công an đặt giữa trái tim người. Tình cảm ngược xuôi theo luật côn đồ đảng, bác”
Vụ án Nhân văn Giai phẩm năm 1957 thực sự là một cuộc cải cách  chữ nghĩa long trời lở đất. Thay vì các bần cố nông lên đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất rồi bắn chết họ, thì cuộc cải cách chữ nghĩa còn để lại di họa hàng trăm năm.
Nhà thơ Lê Đạt phải lao động cải tạo một ngày 2 khối đất, làm từ 6 giờ sáng đến hai giờ đêm, cả tháng trời không một giọt nước tắm, người hôi hám như súc vật, chưa kể còn bị cấm cầm bút 30 năm. Nhà văn Nguyễn Hữu Đang bị biệt giam 25 năm ở cổng trời Hà Giang, không hề biết tới cuộc kháng chiến toàn diện, toàn dân do đảng cộng sản phát  động trong vòng 21 năm. Ra khỏi tù chỉ được lĩnh 8 kg gạo mỗi tháng, không nhà cửa, không thực phẩm, không lương, phải ở nhờ trong chái bếp lợp rạ của khu tập thể giáo viên, đặt một cái vại để xin nước vo gạo của cả khu, gạn lấy nước đặc dưới đáy để quấy với nắm gạo thành cháo loãng thay cơm, phải bắt cóc, ngóe, rắn thay thực phẩm. Khi nào chết cố bò ra vũng đất nông cạnh bụi tre thay mộ.
Khi bóng ma cộng sản gõ vào ngôi nhà nào thì điêu linh mở ra ở đó, đặc biệt gõ vào cánh cửa của ngôi đền văn học thì điêu linh biết bao nhiêu mà kể xiết. Sau 1975, hết chiến tranh, văn học vẫn không được quyền sống cho riêng mình mà vẫn phải gồng mình lên làm nhiệm vụ theo cây gậy chỉ huy của Đảng: “Bắt câm mồm phải câm mồm, nếu kêu ca sẽ lìa hồn, văng thây”. Một cây bút nghiệp dư tại hội văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, một hôm làm bài thơ tả cảnh nhà sàn của đồng bào dân tộc, tất cả đều chỉn chu, mạch lạc, rõ ràng, chỉ câu kết của bài thơ: “Có hay đâu giá lạnh dưới chân sàn” lập tức bị coi là ám chỉ, động chạm đến ngôi nhà sàn của lãnh tụ tôn quý, thiêng liêng. Xúc phạm tới tình cảm cao đẹp của bác Hồ kính yêu với đồng bào dân tộc. Lập tức bị đuổi việc, đuổi khỏi hội nhà văn Hòa Bình, cắt hộ khẩu lên vùng kinh tế mới và chết mất xác nới rừng thiêng nước độc, vì thung thổ khí hậu qúa khắc nghiệt, chưa kể mảnh bom, mảnh đạn, không hộ khẩu, điện đường , trường học, trạm y tế, nước sạch v.v…
 Với số đông nhà văn ngoan ngoãn dễ bảo còn lại, đảng dùng giải thưởng còm cõi nhuốm màu chính trị, bè phái để mua lương tâm họ, bắt họ phải quên đi chính nghĩa rạng ngời của ông bà tiên tổ truyền lại từ bao đời.
 Máu đổ một giây di họa đủ một đời, máu đổ suốt 21 năm trời  ròng rã ( từ 1954-1975) thì di họa biết  bao nhiêu mà kể xiết? Vậy mà đảng cứ thích “quang vinh, muôn năm” bắt nhà văn phải cầm bút ca ngợi thành tích ảo, chiến công ma, sự chỉ đạo mù quáng của đảng, chứ không được phép nói đến di họa của chiến tranh, như trường hợp của tác giả. Ngày 27-7- ngày thương binh liệt sĩ, còn gọi là “ngày bới xác, mò xương, đếm khăn tang và đong máu chiến hào” tôi viết một chùm ba bài: “Nước mắt chưa khô trên má mẹ hiền”. “Bão thổi không ngừng trong những vành tang trắng” và “Đêm đêm nhang cháy đỏ bàn thờ”. Lập tức bị “phơi mặt” trên truyền hình vì tội xúc phạm đến những tình cảm cao đẹp của nhà nước dành cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng thời bị treo bút 6 tháng, đi khỏi báo cựu chiến binh, tịch thu thẻ nhà báo, cho dù sau đó ký hợp đồng với báo khác vẫn không được cấp thẻ.
Nếu viết về nỗi niềm củi lửa, cháo rau trong thời bình, cấm nhắc đến sự thiếu thốn của thời hậu chiến. Dù cả xã hội “run trong từng cọng rau”, lương cán bộ chỉ đủ sống mười ngày. Cô giáo sáng vào trường bán cháo phổi, tối vào nhà hàng rẻ tiền bán thân, kiếm sống bằng sự sa đọa, suy đồi của lũ khách ăn đêm. Thầy giáo một buổi  dạy, hai buổi  đạp xích lô kiếm cơm v.v… Chuyện vỉa hè phải để lại vỉa hè, cấm được ngứa bút đưa lên mặt báo mà mang tội “bôi bác xã hội”, “không tin tưởng vào sự lãnh đạo tuyệt đối sáng suốt,  uy tín của  đảng”.
Nhà văn đứng về phía nước mắt, vạt áo của  nhà văn đong đầy  nỗi khổ của dân nước trong thời hậu chiến. Từ chỗ “ra ngõ gặp anh hùng” thành “ra ngõ gặp ăn mày” vì “người người ra trận, nhà nhà ra trận”. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Một tỉnh nhỏ như Thanh Hóa, Thái Bình vẻn vẹn 1,5 triệu dân mà có 4 vạn 6 bộ đội và thanh niên xung phong. Từ “kho cung cấp người trong chiến tranh” thành nghĩa trang liệt sĩ khổng lồ trong thời bình. Nếu may mắn không bị “Tổ Quốc cắt cơm, gia đình vắng vẻ”, thì cũng trở thành “Tổ quốc quên  công gia đình  đói khổ”... Thế mà phải im miệng, bẻ cong ngòi bút, coi nỗi khổ của dân, của mình là vùng cấm của đảng không được động đến vì “nhạy cảm”. Từ nhạy cảm đến vô cảm chỉ cách  một bước chân, từ vô cảm đến tội ác, khoảng cách  còn ngắn  hơn nữa, nên chúng  ta hiểu vì sao sau 40 năm cầm quyền trên phạm vi cả nước, Nhờ “sự hy sinh to béo” của  đảng, nước ta lại có nhiều tội phạm đến thế? Ở Na Uy  trung bình 100 nghìn người dân mới có 6 tội phạm, ở Hà Lan, nhiều nhà tù bỏ trống, còn ở Việt Nam đã xây tới 900 nhà tù lớn nhỏ (theo quy định 31 CP của chính phủ do thủ tướng Võ Văn Kiệt ký): “Mỗi quận, huyện được phép xây mới một nhà tù”. Vậyhiện tại vẫn thiếu chỗ ở cho 26 nghìn tội phạm hình sự.  Xã hội suy đồi, tha hóa, khiến nhà văn Ma Văn Kháng - một cây “đại bút” của nền văn học xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải đau đớn thốt lên trong tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn” từ 1989: “Xã hội  loạn lạc đến mức mỗi gia đình phải có trách  nhiệm  đóng góp cho xã hội từ một đến hai đứa con...hư hỏng”. Nhà nào càng đông nhân khẩu, mức đóng góp càng lớn, thậm chí có nhà 7,8 người bị bắt cả chùm luôn vì người buôn ma túy, người hút hít, người lừa đảo, trộm cắp, cờ gian bạc lận hay đâm chém, giết người v.v…
Một xã hội không có sự phản biện là một xã hội chết, xã hội Việt Nam trong suốt 70 năm trị vì của đảng cộng sản thực sự đã chết lâm sang, vì làm người mà không được cất lên tiếng nói trung thực của mình, không được làm những việc mình muốn, ngược lại phải “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương con đầu đàn vĩ đại”. Nhà văn cũng vậy, đẻ ra tác phẩm không theo đúng cách thức của Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương thì lập tức tác phẩm ấy sẽ bị đập chết bằng cách cấm đoán, thu giấy phép, cấm xuất bản, cấm đăng ký bản quyền v.v… Nếu trước đó đã trót “thai nghén”, không muốn đứa con tinh thần của mình rơi vào “lề trái”, “vùng nhạy cảm” hoặc “phản động”  phải lập tức... nạo thai ngay lập tức
Lẽ ra theo đúng quy luật của sự sáng tạo: Tác phẩm  rời  nhà văn như con thuyền rời bến, tìm về bờ bến xanh trong và neo đậu vào bến bờ tâm cảm của  người đọc,  thì tác phẩm lại rơi vào vũng ao tù, nước đọng là các nhà xuất bản, cục xuất bản, Ban văn hóa tư tưởng Trung Ương, phòng PC25 (chuyên phụ trách về văn hóa phản động) hoặc PC 35 (cục phản gián) của bộ công an,  bị các lưỡi dao kiểm duyệt của các biên tập viên, giám đốc, trưởng ban, trưởng phòng thẳng thừng cắt xén, trở thành nhợt nhạt, vô hồn không sức sống.
Bình thường ở các nước dân chủ tự do, nhà văn bình đẳng với Chúa trong việc sáng lập ngôn ngữ, thì ở Việt Nam, nhà văn buộc phải trở thành những “con chiên ngoan đạo” của cả bầy đàn lãnh đạo vô học dốt nát. Vì thế thay vì sinh ra để bảo vệ và phát  triển văn hóa cũng như văn học theo quy định của luật pháp, thì nhà văn bị bịt miệng vì luật rừng, luật chết quái gở độc địa, khai tử bao nhiêu đứa con trung thực, khỏe mạnh, theo  sự chỉ đạo áp đặt  của  đảng.
Cả một nền văn học bị bức tử trở thành xanh xao, còi cọc, suy dinh dưỡng hoặc chết yểu trong bóng tối ngột ngạt, ám khí, ác độc của Đảng Cộng Sản. Ngược lại, chỉ những tác phẩm nhảm nhí , thiếu chất lượng , làm tổn hại đến thẩm mỹ của công chúng, cũng như làm tầm thường nền văn học nước nhà lại được phát triển ào ào như nấm độc sau mưa.
Một nền văn học chỉ toàn những kẻ vinh thân phì gia, vờ vịt, dối trá, tự nguyện tiếp tay ca tụng cái ác, cái xấu cái dốt, rồi ăn không nói có, bợ đỡ, xu nịnh thì đó là văn học gì? Nếu không phải là sự khốn nạn, nhục nhã. Không ít tác giả nữ phải dùng “vốn tự có” của mình để làm ván bắc cầu nhảy xa, cùng quan lớn thừa hưởng sự giàu sang phú quý trên máu và nước mắt dân tộc. Hầu hết các tác giả nam phải quên  nghèo khổ, bất công, tham nhũng, nước mắt người già, trẻ thơ hay nỗi đau quặn thắt của  cha mẹ khi không có tiền cho con đến trường, phải đẩy con ra lề đường kiếm sống. Quên luôn cả các vết thương lịch sử đau đớn làm bao  triệu người phải chết như “Cưỡng chiếm Miền Nam, đánh bắt các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, bài xích, chèn ép vợ con họ, đẩy cả vạn triệu người lên khu kinh tế mới để chiếm nhà cửa ruộng vườn cho các quan lớn. Quên cả cuộc vượt biển kinh hoàng, làm chấn động  toàn thế giới trong gần 3 thập kỷ từ giữa 70 đến 80, 90...”
Bao nhiêu  nhà văn sa đà vào việc  mô tả tính  dục rồi dùng  phong bì lót tay để sách được nhà xuất bản, hội nhà văn tổ chức những đợt tuyên truyền quy mô, rầm rộ để nhận về những giải thưởng độc hại còm cõi như “Giải thường Hồ Chí Minh”; “Giải văn học về đề tài công an nhân dân” , Giải “Quốc phòng  toàn dân” v.v…
Nói tóm lại, có cả một chủ trương ngầm để dung tục hóa văn chương theo đúng vectơ chuyển động của đảng cộng sản, bốc thơm ca ngợi cái ác, cái dốt, cái xấu, khiến những nhà văn có tài, có lương tâm văn học mất chỗ đứng trong lòng độc giả, và văn học cũng tự đánh mất thiên chức của  mình là  đánh thức lương tri và khai sáng  cho độc giả. Tiếc rằng những hành xử tinh vi và tàn độc này đã kéo dài 70 năm (với Miền Bắc) và 40 năm (với Miền Nam), biến hàng vạn nhà văn, nhà báo thành những kẻ “ăn theo, nói leo” hệt những con rối bị giật giây. Bao nhiêu tác phẩm đích thực được các tác giả hoài thai trong đau đớn vật vã của tâm hồn, tình cảm trí não mình,  bị cắt, xẻo xử trảm từ trong trứng nước. Những cuộc “nạo thai”, khai tử diễn ra hàng ngày, hàng giờ nơi đất nước mặt trời lặn, trong góc tăm tối cuối cùng của Thế Giới, khiến hơn 93 triệu người dân thành một biển người dối trá. Dù nói ngược, nói xuôi, nói xưa nói nay, hay ám chỉ, vòng vo, cuối cùng cũng phải quay về giọng  Đảng... Đó chính là bóng đêm nô lệ của một nền văn học nhồi sọ, phục vụ cho các nghị quyết, chính sách dốt nát, sai trái của Đảng. Cái xấu, cái ác, cái dốt được lên ngôi, cái đạo lý trung thực, công bằng bị bóp chết. Thật không còn gì để nói ngoài việc “thành kính phân ưu” với nền văn học nước nhà dưới sự cai trị kéo dài của Đảng Cộng Sản. .
Cuối cùng  xin dành lại thời gian  cho người kế tiếp.
Cám ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được phát  biểu chính kiến, quan điểm của mình, cũng như cám ơn toàn thể bà con, anh chị em đã chú ý lắng nghe.
Santa Ana  April 18-2015.
 Trần Khải Thanh Thủy 
__._,_.___


Posted by: <vneagle_1

VÌ SAO CÓ CUỘC NỘI CHIẾN Ý THỨC HỆ QUỐC – CỘNG TẠI VIỆT NAM?



 
Tưởng niệm biến cố 30-4-1975, nhìn lại lịch sử:
VÌ SAO CÓ CUỘC NỘI CHIẾN Ý THỨC HỆ QUỐC – CỘNG TẠI VIỆT NAM?

Thiện Ý
     

      Theo nhận định của chúng tôi có hai nguyên nhân Chủ yếu  đã đưa đến cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam: Nguyên nhân lịch sử và nguyên nhân mâu thuẫn đối kháng giữa ý thức hệ quốc gia và ý thức hệ cộng sản trên bình diện lý luận và thực tiễn.

I/- NGUYÊN NHÂN LỊCH SỬ.
     Chính bối cảnh đất nước bị ngoại xâm và nhu cầu kháng chiến giành độc lập của nhân dân Việt Nam đã đưa đến cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam.

         Thật vậy, trước hết một cách tổng quát: Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và cuộc kháng chiến trường kỳ của các thế hệ quốc dân Việt Nam yêu nước nhằm đánh đổ chế độ thuộc địa, giành độc lập, tự chủ cho dân tộc đã là bối cảnh du nhập và phát triển ý thức hệ cộng sản tại Việt Nam.

1.- Từ ý thức hệ quốc gia chủ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp.

      Thật vậy, vào giữa thế kỷ 18, Châu Âu kỹ nghệ hóa cần nhiều nguyên liệu, thị trường tiêu thụ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu phát triển chính quốc, các đế quốc đã thi nhau tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược mở rộng thuộc địa. Đế quốc Anh sau khi củng cố quyền thống trị trên Ấn Độ, đã thôn tính Úc châu, Tân Tây Lan, chuẩn bị thực hiện ý đồ xâm lược Trung quốc qua cuộc Chiến Tranh Nha Phiến. Trong khi đó, thực dân Pháp đã chiếm Algerie và đang đi tìm căn cứ trên bờ biển Trung quốc, làm bàn đạp thôn tính các nước trong vùng.
      Ngày 31-8-1858, Chiến Hạm Pháp đã bắn phá cửa biển Đà Năng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, để sau đó từng bước thiết lập chế độ thuộc địa tại Việt Nam, bành trướng qua Lào và Kampuchia. Tất nhiên, không phải là dễ dàng khi thực hiện quá trình xâm lược này (1958-1884). Trên thực tế, thực dân Pháp đã phải đương đầu với các cuộc kháng chiến liên tục và đều khắp đất nước của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.
      Trong những ngày đầu, lịch sử Việt Nam ghi nhận có các cuộc nổi dậy của nhân dân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân và nhiều sĩ phu yêu nước Miền Nam. Tiếp đến là các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp giành độp dưới ngọn cờ “Cần Vương, Văn Thân”, nối tiếp nhau trong nhiều thập niên cuối thế kỷ XIX. Hầu hết các nhà lãnh đạo các phong trào này đều xuất thân trong hàng ngũ quan lại chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam như Tôn Thất Thuyết,Phan Đình Phùng,Hoàng Hoa Thám, Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật…Vì thế ý thức hệ quốc gia chủ đạo kháng chiến giai đọan này là  ý thức hệ thần quyền Thiên Mệnh của Khổng giáo.Theo đó từ nhà lãnh đạo đến quần chúng tham gia kháng chiến có chung ý tưởng hy sinh đánh đuổi thực dân Pháp giành lại ngai vàng cho Vua, cho hoàng tộc để tái lập quyền cai trị độc lập tự chủ của người Việt Nam. Bởi vì hệ tư tưởng quân chủ chuyên chế Khổng Mạnh, du nhập từ Trung quốc, dựa trên thuyết thần quyền thiên mệnh: Vua là Thiên tử,được Trời trao ban quyền cai trị muôn dân, là chủ đất nước, là biểu tượng quốc gia. Đạo quân thần đã đưa đến hệ quả là lòng “Trung quân, ái quốc”, là trung thành, hy sinh sống chết bảo vệ ngai vàng cho Vua tức là yêu nước vậy…
         Bước qua đầu thế kỷ XX,trào lưu tư tưởng dân chủ Phương Tây đã thẩm nhập vào Việt Nam và trở thành ý thức hệ thứ hai chủ đạo kháng chiến chống Pháp giành độc lập dân tộc. Những tác phẩm nổi tiếng như “L’Esprit Des Lois”, “Contrat Social” của Montesquieu và J.J Rousseau cũng như những tư tưởng tự do, công bình, bác ái, nhân quyền, và các quyền dân chủ, dân sinh khởi đi từ cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã ảnh hưởng đến chiều hướng đấu tranh của các nhà ái quốc Việt Nam.Thêm vào đó là trào lưu tư tưởng của các nhà dân chủ Trung Hoa như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, cùng với một nước Nhật canh tân tiến đến tự cường và trở thành một cường quốc Á Châu cũng đã là những tấm gương sáng có sức thu hút mạnh mẽ giới sĩ phu yêu nước ViệtNam.

        Thực vậy, từ đầu thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam bắt đầu ghi nhận` tư tưởng chủ đạo kháng chiến chống Pháp đi từ trung dung “Nửa quân chủ, nửa dân chủ” đến “dân chủ hoàn toàn”.

       Phong trào Đông Du (1906-1908) của cụ Phạn Bội Châu, Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) của cụ Phan Chu Trinh và Việt Nam Quang Phục Hội của Cụ Phan Bội Châu…là những phong trào kháng chiến theo chiều hướng trung dung.Theo chiều hướng này, cuộc kháng chiến giành độc lập diễn ra dưới nhiều hình thức, đặt nặng vấn đề giáo dục quần chúng, nâng cao dân trí, cổ vũ lòng yêu nước, chuẩn bị về lâu về dài cho các cuộc khởi nghĩa vũ trang sau này khi đủ thế lực và thời cơ thuận lợi.

     Chủ trương của trào lưu kháng chiến này là, sau khi đánh đuổi được thực dân Pháp, sẽ thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến kiểu Nhật Bổn và một số quốc gia khác trong vùng như Thái Lan, Mã Lai…Ước mơ của các nhà lãnh đạo kháng chiến lúc này là giành được độc lập rồi, vẫn giữ lại ngai vàng cho Vua để trọn đạo “Quân Thần”, đồng thời cũng muốn bảo vệ quyền dân chủ cho nhân dân bằng một bản hiến pháp thành văn. Đây là một chủ trương nhằm dung hòa quyền lợi giữa giai cấp thống trị và nhân dân bị trị, giúp cho các nhà lãnh đạo xuất thân từ “Cửa Khổng, sân Trình” cảm thấy an tâm trọn đạo thánh hiền. Nhưng rồi ước mơ này cũng đã không thực hiện được. Các phong trào đấu tranh theo hệ tư tưởng trung dung  cũng đã lần lượt bị thất bại, nhường chỗ cho một khuynh hướng tích cực hơn xuất hiện trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo theo Tây học.

       Điển hình cho khuynh hướng này có Nguyễn Thái Học và các đồng chí của Ông, đã hình thành một chính đảng kiểu Tây Phương đầu tiên: “Việt Nam Quốc Dân Đảng”(1923-1924).Do chịu ảnh hưởng trực tiếp về tư tưởng và tổ chức của Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Việt Nam Quốc Dân Đảng chủ trương đấu tranh bằng bạo lực quân sự kết hợp với sức mạnh nổi dậy của quần chúng để giành độc lập dân tộc.Sau đó thiết lập chế độ dân chủ theo mô hình “Tam dân chủ nghĩa” của Tôn Văn và vận dụng nguyên tắc phân quyền của hệ dân chủ Phương Tây, để dân chủ, dân quyền được tôn trọng, dân sinh được ấm no, hạnh phúc.

       Với lòng yêu nước nồng nàn, bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, năm 1930 lãnh tụ Nguyễn Thái học và Việt Nam Quốc Dân Đảng đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa võ trang cướp chính quyền ở Yên Báy. Cuộc khởi nghĩa này đã không thành công, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của Ông đã hiên ngang bước lên đoạn đầu đài nhận lãnh cái chết anh hùng cho “Tổ Quốc quyết sinh”. Mục tiêu và ước mơ tối hậu của các nhà ái quốcViệt Nam tuy chưa thành công, nhưng “đã thành nhân” như lời khẳng định trước đó của lãnh tụ Nguyễn Thái Học.

2.- Đến ý thức hệ cộng sản chủ đạo kháng chiến chống Pháp.

         Sau cuộc khởi nghĩa Yên Báy của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, thực dân Pháp đã thực hiện các cuộc ruồng bắt và đàn áp dã man các nhà ái quốc việt Nam. Từ đây khuynh  hướng đấu tranh giành độc lập theo hệ tư tưởng quân chủ Đông phương hệ tư tưởng dân chủ Tây Phương như tạm thời lắng dịu.Một khuynh hướng đấu tranh chống thực dân Pháp theo hệ tư tưởng Marxism-Leninnism, tức ý thức hệ cộng sản xuất hiện. Khuynh hướng này có mục tiêu tối hậu khác với mục tiêu tối hậu của khuynh hướng chống thực dân Pháp trước đó, gọi chung là ý thức hệ quốc gia. (Quân chủdân chủ).

         Nghĩa là, nếu khuynh hướng theo ý thức hệ quốc gia có mục tiêu tối hậu của cuộc kháng chiến chống pháp là giành độc lập dân tộc, để sau đó thiết lập một chế độ quân chủ hay quân chủ lập hiến hoặc một chế độc dân chủ đại nghị, thì khuynh hướng theo ý thức hệ cộng sản chỉ coi “Giành độc lập” là mục tiêu giai đoạn. Mục tiêu tối hậu của khuynh hướng ý thức hệ cộng sản là đưa đất nước và dân tộc Việt Nam vào hệ thống cộng sản quốc tế để thực hiện chủ nghĩa cộng sản, tiến tới một “Thế giới đại đồng”, không còn biên giới quốc gia, vì sự nghiệp của cộng sản quốc tế(cộng sản hóa toàn cầu).

         Thật vậy,lãnh tụ của cuộc kháng chiến chống Pháp theo hệ tư tưởng cộng sản là Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh.

         Theo tài liệu tuyên truyền của Việt cộng, thì ông Hồ Chí Minh khởi đầu là người theo chủ nghĩa yêu nước mang ý thức hệ quốc gia trước khi trở thành môn đồ của chủ nghĩa cộng sản.Xuất thân từ một nền giáo dục nửa Nho học, nửa Tây học, biết đọc biết viết, không học vị. Năm 1911 Ông Hồ đã ra khỏi nước, bôn ba nhiều năm ở hải ngoại, nơi các nước đế quốc tư bản cũng như thuộc địa để tìm đường cứu nước…Sau cùng Ông Hồ đã “tìm ra được con đường cứu nước”; rằng “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường Cách mạng Vô sản”(1). Ông Hồ vui mừng và thốt lên câu nói này có lẽ là vì Ông tin tưởng vào thế đối cực hình thành sau cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga năm 1917, có thể dựa vào Liên  Xô  như một thế đối trọng sẽ đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến Thành Công. Thực tế sau này quả Ông Hồ đã thành cộng sau cuộc kháng chiến chín năm dưới sự chủ đạo của đảng CSVN nhờ thế dựa vào cộng sản quốc tế.Thế nhưng nếu cái gọi là cuộc chiến thắng Điện Biên kết thúc chín năm kháng chiến, đã chấm dứt được chế độ thực dân Pháp thì Ông Hồ và đảng CSVN đã đưa đất vào vòng nô lệ mới trong gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, với hai cực cường Liên Xô – Hoa Kỳ, đã xô đẩy nhân dân và đất nước vào một thảm trạng mới, đã gây hậu quả nghiêm trọng, toàn diện, di hại lâu dài cho dân cho nước sau này.Chính vị hệ quả này chúng tôi cũng như nhiều người khác cho rằng cuộc kháng chiến 9 năm do Ông Hồ và đảng CSVN phát động chủ đạo tiến hành là sự phí phạm xương máu nhân dân, tài nguyên đất nước không cần thiết, vì Việt Nam vẫn có thể được độc lập bằng phương cách hòa bình vào thời điểm chủ nghĩa thực dân cũ đã bước vào thời kỳ cáo chung, nhiều thuộc địa khác không cần đổ máu cũng đã được trao trả độc lập cùng thời hay sớm hơn, tiêu biểu như đế quốc Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ ngày 15-8-1947, cho Pakistan ngày 14-8-1947, cho Afghanistan ngày 14-9-1949; đế quốc Hòa Lan trao trả độc lập cho Indonesia ngày 14-8-1949…

     Trong khi trước đó, cuộc kháng chiến chống pháp dưới sự lãnh đạo của các nhà ái quốc theo ý thức hệ quốc gia sở dĩ chưa thành công vì những điều kiện khách quan không thuận lợi nên không tìm được thế dựa trong bối cảnh độc cực, với các cường quốc đế quốc có chung chủng loại thực dân chia nhau xâm chiếm các quốc gia nghèo yếu làm thuộc địa khai thác lợi nhuận. Ngay cả nỗ lực của một số nhà ái quốc Việt Nam như Phan Bội Châu qua phong tráo Đông Du, muốn tìm thế dựa Nhật Bổn một cường quốc mới trong vùng Châu Á, mới manh nha đã thất bại.Vì vậy Ông  Hồ đã vui mừng đến phát khóc và hét to một mình như thế trong nhà trọ ở Paris Pháp quốc, sau khi đọc được tác phẩm kinh điển nổi tiếng của Vladimir Lenine “Luận Cương Chính Trị Tháng Tư” (2). Nội dung tác phẩm này viết về vấn đề thuộc địa và các dân tộc bị áp bức. Ông Hồ như được giác ngộ bởi lý tưởng cộng sản và đã gia nhập đảng Cộng Sản Pháp (1920), qua Liên Xô, được giáo dục, đào tạo để trở thành môn đồ trung thành của chủ nghĩa Cộng sản.Từ đó Ông Hồ liên lạc , tuyên truyền, huấn luyện, tuyển chọn,móc nối được một số đồng chí, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hongkong (3-2-1930).

        Theo chính cương và sách lược đấu tranh của Cộng đảng Việt Nam được thông qua trong Đại Hội thành lập đảng thì có hai mục tiêu đấu tranh trường kỳ: Đánh đuổi thực dân Pháp để giải quyết mâu thuẫn dân tộc(với thực dân Pháp) và cộng sản hóa Việt Nam để giải quyết mâu thuẫn giai cấp ( giữa giai cấp công nhân với tư bản, nông dân với địa chủ, giai cấp thống trị với bị trị…).Để đánh đuổi thực dân Pháp,Cộng đảng Việt Nam đã tiến hành cuộc “Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân”. Để cộng sản hóa Việt Nam, Cộng đảng Việt Nam đã tiến hành “cách mạng Xã hội Chủ Nghĩa”. Lực lượng chủ yếu để tiến hành các cuộc cách mạng trước sau này, theo lý luận là giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân và nhân dân lao động nghèo, dưới sự lãnh đạo độc tôn của Cộng đảng Việt Nam.Phương thức đấu tranh chủ yếu là “bạo lực cách mạng(bao gồm bạo lực quân sự kết hợp với bạo lực chính trị), được thực hiện dưới nhiều hình thức: bí mật, công khai, hợp pháp, bán hợp pháp và bất hợp pháp, bằng mọi thủ đoạn cần thiết để thành đạt mục tiêu theo phương châm “Cứu cánh biện minh cho hành động”.
        Trên thực tế, từ ngày thành lập Cộng Đảng Việt Nam, dù có lúc thay tên đổi họ (Đảng Cộng Sản Đông Dương, Đảng Lao Động Việt Nam), thậm chí có lúc do tình hình thực tế đòi hỏi phải tuyên bố tự giải tán, nhưng qua cuộc kháng chiến chống Pháp (1930-1954),cuộc chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975) và qua 55 năm kể từ ngày thành lập đảng CSVN đến khi thực hiện chính sách “Đổi Mới” (1930-1985) sau khi nắm quyền thống trị cả nước, Việt cộng đã thực hiện khá sát chính cương và sách lược trên đây của họ. (Thực hiện như thế nào, chúng tôi sẽ trình bầy chi tiết trong tài liệu nghiên cứu lý luận  “Cuộc Nội Chiến Ý Thức Hệ Quốc – Cộng Tại Việt Nam”).

II/- NGUYÊN NHÂN MÂU THUẪN ĐỐI KHÁNG GIỮA Ý THỨC HỆ QUỐC GIA VÀ Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN

         Mâu thuẫn đối kháng (một mất một còn) giữa ý thức hệ quốc gia và ý thức hệ cộng sản đã là nguyên nhân chủ yếu thứ hai đưa đến cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc- Cộng tại Việt Nam, giữa người Việt theo ý thức hệ quốc gia (Việt quốc) và người Việt theo ý thức hệ cộng sản (Việt cộng). Mâu thuẫn đối kháng này được thể hiện trên hai bình diện lý luận và thực tiễn.
       
1.-  Trên bình diện lý luận, chủ nghĩa cộng sản dù có là một lý tưởng cao đẹp có tính mê hoặc lòng người, nhất là những người trẻ tuổi vốn say mê lý tưởng vào đời, nhưng không tưởng theo nghĩa một lý tưởng không thể thực hiện được. Vì vậy, những cá nhân (đảng viên cộng sản) hay tập đoàn (đảng cộng sản) ở bất cứ quốc gia nào, khi vận dụng chủ nghĩa cộng sản vào thực tiễn đã chỉ là tai họa thảm khốc, phá hủy mọi nền tảng đạo đức, văn hóa dân tộc, mất độc lập tự chủ, đưa nhân dân dân vào cảnh mất tự do, đói khổ, lầm than, di hại nghiêm trọng, toàn diện và lâu dài cho nhiều thế hệ nhân dân,phân hóa dân tộc của quốc gia ấy.
         Rốt cuộc, cái gọi là “cuộc cách mạng vô sản” để xây dựng “một xã hội không người bóc lột người” (Từ xã hội: xã hội chủ nghĩa,còn giai cấp, đến xã hội cộng sản chủ nghĩa, không còn giai cấp, không còn nhà nước…) chỉ là chiêu bài lừa mị của một tập đoàn thống trị độc quyền, độc tôn, độc tài (đảng cộng sản) để xây dựng một xã hội người (với thiểu số cán bộ đảng viên CS) độc quyền áp bức bóc lột người (tuyệt đại đa số nhân dân)” chưa từng có trong lịch sử hình thành  các xã hội loài người có giai cấp (xã hội cộng sản nguyên thủy, xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản…theo duy vật sử quan Marxism)

   2.-Trên bình diện thực tiễn, những người cộng sản Việt Nam (Việt cộng) nói riêng, cộng sản quốc tế nói chung,  đã tin theo và vận dụng chủ nghĩa cộng sản vào thực tế nước ta, (cũng như  một số nước khác trên thế giới),đã gây tác hại nghiêm trọng, tòan diện, lâu dài trên con người, dân tộc và đất nước Việt Nam trong nhiều thập niên qua và di hại lâu dài cho Dân tộc và Đất nước Việt Nam qua nhiều thế hệ sau này.

         Vì tin và hành động theo “ý thức hệ cộng sản”  Việt cộng đã đánh mất bản sắc dân tộc, tách rời khỏi lịch sử chính thống quốc gia Việt Nam và dùng “Tính giai cấp” và  lăng kính “đấu tranh giai cấp” để phê phán chủ quan, không trung thực về các triều đại và  các anh hùng hào kiệt của lịch sử Việt Nam, xuyên tạc lịch sử và chối bỏ Tổ Quốc Việt Nam, để chọn và tôn thờ cái gọi là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” là tổ quốc của mình. Và vì vậy cộng sản Việt Nam sẵn sàng hy sinh quyền lợi của Tổ Quốc và dân tộc việt nam cho quyền lợi của đảng Cộng sản Việt Nam và quốc tế cộng sản.

        Vì chủ trương hận thù và đấu tranh giai cấp Việt cộng đã phá đổ mọi quan hệ xã hội tốt đẹp giữa người với người, đã không ngần ngại thủ tiêu, bắn giết và làm mọi điều tàn ác với với những người anh em cùng mầu da sắc máu, chung nguồn gốc Việt tộc với họ,theo phương châm “cứu cánh biện minh cho hành động”.(như đã làm trong giai đoạn Chiến Tranh Quốc Cộng 1954-1975 điển hình là đã tàn sát, chôn sống hàng ngàn quân dân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa trong biến cố Tết Mậu Thân 1968 ở Huế và các nơi khác trong suốt cuộc chiến tranh Quốc- Cộng)

        Vì chủ trương vô thần, chết là hết, nên Việt cộng không sợ hậu quả, đã thẳng tay đàn áp những người dân hữu thần, dùng mọi thủ đoạn, phương cách dù bất nhân, tàn bạo nhằm tiêu diệt mọi tín ngưỡng, mọi tôn giáo, vốn là nhu cầu quan yếu trong đời sống tâm linh của con người, và là một thực thể xã hội góp phần vào nền đạo đức xã hội nhân bản qua mọi thời đại.

        Thực tế là, sau khi nắm được quyền thống trị toàn đất nước 40 năm qua và trước đó trên một nửa nước Miền Bắc, đảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, với một đảng duy nhất nắm quyền thống trị (đảng CSVN) với một nhà nước “Chuyên chính vô sản” (tức độc tài cộng sản) bác đọat quyền tự do, dân chủ và các nhân quyền cơ bản của nhân dân, thông qua “ một chính quyền của đảng, do đảng và vì đảng cộng sản Việt Nam”, một công cụ trấn áp nhân dân, duy trì và bảo vệ quyền cai trị độc tài, độc tôn, độc quyền với những ưu quyền đặc lợi của một giai cấp thống trị mới, giai cấp cán bộ đảng viên cộng sản,chia nhau nắm quyền chia lợi ở các cấp, các ngành trong bộ máy đảng và bộ máy nhà nước. Nghĩa là một giai cấp thiểu số (khoảng 3 triệu đảng viên CS) thống trị trên tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam (trên 90 triệu dân)từ thượng tầng quốc gia đến hạ tầng cơ sở.
        Đó là những lý do khái quát, căn bản trên bình diện lý luận và thực tiễn, khiến những người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia (Việt quốc), hay là những người Việt Nam không cộng sản từ quá khứ đến hiện tại, từ trong nước ra hải ngoại, đã và vẫn đang tiếp tục con đường chống cộng cho đến khi thành đạt mục tiêu lý tưởng theo ý thức hệ quốc gia của mình.

III/- KẾT LUẬN:

      Cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc – Cộng tại Việt Nam phát sinh từ hai nguyên nhân: Bối cảnh lịch sử và mâu thuẫn đối kháng giữa ý thức hệ Quốc gia và ý thức hệ Cộng sản.
     Nguyên nhân lịch sử  bắt nguồn từ sự thất bại của các cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập dưới sự lãnh đạo của các nhà ái quốc theo ý thức hệ quốc gia, do tự  mình không đủ sức, lại không tìm được hậu thuẫn quốc tế tạo thế đối trọng khả dĩ thay đổi cán cân lực lượng giữa kháng chiến và nhà cầm quyền thực dân Pháp, khi mà hầu hết các cường quốc đế quốc lúc bấy giờ có chung chủng loại thực dân phân chia nhau xâm chiếm các thuộc địa. Nỗ lực của một số nhà ái quốc theo ý thức hệ quốc gia như nhà ái quốc Phan Bội Châu muốn dựa vào cường quốc Nhật Bổn trong vùng Châu Á qua Phong Trào Đông Du,vì lầm tưởng thuyết “Đại Đông Á” của người Nhật(Người Châu Á giúp người Châu Á) nên thực tế đã thất bại
      Chính sự bế tắc này đã dẫn Ông Hồ Chí Minh từ một người theo chủ nghĩa ái quốc đến với chủ nghĩa cộng sản khi tưởng rằng đã tìm được thế dựa quốc tế cho công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc từ Liên Xô và cộng sản quốc tế. Chính vì vậy Ông Hồ đã vui mừng đến phát khóc và hét to một mình trong nhà trọ ở Paris Pháp quốc rằng “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường Cách mạng Vô sản”.
     Thế nhưng chính sự lựa chọn lầm lẫn này Ông Hồ đã đưa đất nước vào một cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc – Cộng tại Việt Nam kéo dài trong nhiều thập niên qua đến nay vẫn chưa chấm dứt. Trên thực tế nó đã trở thành tai họa cho nhân dân và đất nước, đã thể hiện ý nghĩa trái ngược với ý nghĩa câu nói trên, rằng “Muốn phá nước và xích hóa dân tộc, không có con đường nào khác hơn, ngoài con đường cách mạng vô sản ”./.

Thiện Ý
Houston, tháng 4-2015


__._,_.___

Posted by: truc nguyen <

Thursday, May 7, 2015

Vở Trường Ca “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận



Cập nhật: 04/05/2015 18:20

Vở Trường Ca “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận

 Lê Bình
Photo : Trương Xuân Mẫn

Những tiếng vỗ tay òa vỡ. Những lá cờ - Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - Lá cờ mang biểu tượng cho tự do, cho dân chủ cùng phất lên. Những cánh tay đưa cao cùng hát... Tiếng hát lời ca lúc thì uất nghẹn, khi thì hào hùng... tất cả đã làm nên một vở trường ca bất tận. Có thể nói đó là Bản Trường Ca Đêm Nhớ Về Sài Gòn.
Bấm vào đây để Xem Thêm Hình ảnh: Đêm Nhớ Về Sài Gòn
Facebook: Bấm vào đây để Xem Thêm Hình ảnh: Phần 1 Đêm Nhớ Về Sài Gòn  
Facebook: Bấm vào đây để Xem Thêm Hình ảnh: Phần 2 Đêm Nhớ Về Sài Gòn  

Cali Today News - Trên những tấm vé, trên các hình ảnh được chiếu trên màn hình có mang dòng chữ “Đêm Nhớ Về Sài Gòn”. Đó là chủ đề của đêm văn nghệ Tưởng Niệm Quốc Hận đã diễn ra tại hí viện National Civic Center tại San Jose, tọa lạc trung tâm thành phố San Jose, 135 W. San Carlos vào đêm Chủ Nhật 3/5/2015 đánh dấu 40 năm tị nạn.
Chương trình bắt đầu vào lúc 5:30pm nhưng hơn 5:00pm đã thấy khán giả “rồng rắn” trước cửa rạp hát dọc theo con đường San Carlos chờ giờ mở cửa. Trong số những khán giả đến tham dự đêm văn nghệ có những cụ già, mà có cụ 100 tuổi và có lẽ khán giả “trẻ” nhất là 6 tuổi, những người ngồi trên xe lănvà trong số đó người ta thấy có cụ Trương Đình Sữu, cựu Đại tá Trần Thanh Điền, cựu đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, cựu Trung tá Đỗ Hữu Nhơn và nhiều người lính của các quân binh chủng VNCH.

Giờ mở cửa khán giả tuần tự đi vào, nơi cửa, những chị trong Ban Tiếp Tân, những chiếc áo dài màu xanh phân phát cho mỗi khán giả một lá cờ Vàng. Chẳng bao lâu sau rạp hát đã chật kín người, có thể hơn 2,000 khán giả. Mọi người gặp nhau thân ái bắt tay nhau, chào hỏi. Nhìn quanh, chiếc ghế bên cạnh lại là người quen. Không hẹn mà gặp. Họ đến đây đêm nay để cùng tưởng nhớ về một nơi chốn mà họ đã ra đi. Mới đó đã 40 năm trôi qua. Khán giả đủ mọi thành phần. Là những cụ ông, cụ bà, những người trung niên, thanh niên nam nữ, và có cả những em nhỏ.

Tấm màn nhung mở ra. Trên sân khấu có bàn thờ Tổ Quốc với hình ảnh những vị sĩ quan Quân Lực VNCH đã tuẩn tiết vào ngày 30/4/1975. Toán Quốc Kỳ đã sẵn sàng cho lễ khai mạc. Những người lính năm xưa, trong bộ quân phục tiểu lễ của trường Bộ Binh Thủ Đức đã sẵn sàng cho lễ chào cờ. 

Lễ chào quốc kỳ bắt đầu lúc 6:25 pm. Toán quốc kỳ do Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức Bắc California đảm trách. Mọi người đứng lên nghiêm trang chào cờ. Phút tưởng niệm, kèn truy điệu trổi lên. Hai bài quốc ca Việt Mỹ cất lên hùng tráng, như chưa bao giờ hùng tráng và trang nghiêm như thế trong một đêm văn nghệ. Trong khi bài quốc ca Việt Mỹ lần lượt cất lên, hai màn ảnh lớn chiếu những hình ảnh Việt Nam. Những người lính, những lá cờ, những ngôi mộ, những chiếc thuyền bé nhỏ mong mang vượt đại dương… 

Hình ảnh cũ. 
Một đoạn đường. 
Một kỷ niệm khó phai mờ trong ký ức... của những người đang có mặt trong đêm nay. Những người tị nạn đã rời quê hương “Vì 2 chữ tự do” vì “không chấp nhận sống với chế độ cộng sản”, “ta mang đời lưu vong”…
Sau năm 1975, có hàng triệu con người bỏ nước ra đi, có gần nửa trong số đó đã bỏ mình trong lòng biển, trong rừng sâu. Hải tặc! Đói khát! Bơ vơ! Và đêm nay, tất cả đã về đây để tưởng niệm ngày Quốc Hận. Tiếng kèn đồng thê thiết. Những con người cúi đầu tưởng niệm người thân đã mất.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng, Phó Giám Đốc Hệ Thống Cali Today Multi Media Network, bước ra ngỏ lời chào đón đồng hương khán giả.

“Hôm nay đây, ngày quốc hận ba mươi tháng tư nhắc nhở  chúng ta nhìn lại những lầm than của dân tộc để từ đó chúng ta phải thấy được trách nhiệm và bổn phận của một kiếp người, là sinh ra, lớn lên phải hành động hợp với lẽ phải, bảo vệ cái chân, thiện mỹ, chống lại cái gian tà, ác ôn chẳng những ở nơi đang sinh sống mà ngay trên chính quê hương Việt nam đang đối mặt với tà quyền, tham lam, hèn với giặc mà lại ác với dân. Chính thế, nguời Việt tỵ nạn khắp hoàn cầu không quên ngày quốc hận..”

“Tuổi trẻ của hôm nay và ngày mai phải ý thức cụ thể và rõ ràng rằng, chính sách độc đảng sai lầm của Cộng sản Việt nam đã đưa đến cái chết của hàng trăm ngàn người vượt biển, hàng vạn thanh niên bỏ xác tại Campuchia, dân oan đầy phố phường, nghèo đói vô cùng tận, văn hóa bại hoại, giang sơn tổ quốc bị lấn chiếm, ngoại bang hăm dọa đến sự vẹn toàn lãnh thổ của tiền nhân. Do đó, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt nam dù ở hải ngoại cũng phải nổ lực để ngăn chận những hiểm họa do Đảng Cộng Sản Việt nam gây ra.”
Anh đã nói và nhắc đến nhiều sự kiện, và đó là lý do có đêm hôm nay…
Giọng anh nói có mang hơi thở của một nỗi đau, một lời tâm sự: “Kính thưa quý vị: Nguời Việt tỵ nạn khắp hoàn cầu không quên ngày quốc hận, Nhật báo Cali Today trong lòng người Việt lưu vong đã, đang và sẽ không quên ngày này với sứ mệnh hỗ trợ cuộc đấu tranh của các chiến sĩ dân chủ tự do trong và ngoài nước hầu mang đến cho quê hương một thể chế phi Cộng sản dựa trên dân tộc, dân chủ và nhân quyền. Tuổi trẻ của hôm nay và ngày mai phải ý thức cụ thể và rõ ràng rằng, chính sách độc đảng sai lầm của Cộng sản Việt nam đã đưa đến cái chết của hàng trăm ngàn người vượt biển, hàng vạn thanh niên bỏ xác tại Campuchia, dân oan đầy phố phường, nghèo đói vô cùng tận, văn hóa bại hoại, giang sơn tổ quốc bị lấn chiếm, ngoại bang hăm dọa đến sự vẹn toàn lãnh thổ của tiền nhân. Do đó, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt nam dù ở hải ngoại cũng phải nổ lực để ngăn chận những hiểm họa do Đảng Cộng Sản Việt nam gây ra.

Kính thưa quý vị: Trong giây phút này đây, chúng tôi vô cùng xúc động trước sự quan tâm của từng trái tim đang tưởng niệm về một ngày quốc hận đau thương. Chính sự có mặt của tất cả chúng ta đã thể hiện một niềm tin cho tiền đồ quê hương ngời sáng, một ước mơ thanh bình, dân chủ và nhân quyền cho quê hương. Bao lâu nay Nhật báo Cali Today ấp ủ một nguyện ước cho Việt nam thịnh vượng, tự do thì giờ đây quý vị đã cho Cali Today thêm năng lượng, thêm tình thương và sự quan tâm. Nếu không có quý vị, của những sự hỗ trợ bởi  nhiều nhà hoạt động cộng đồng, những nhà đấu tranh chống cộng, những thân hữu, những bảo trợ viên hào hiệp, và những cơ quan truyền thông báo chí, những nghệ sĩ, và hàng ngàn khán giả thân thương... thì làm sao chúng ta có được một đêm tưởng niệm Bốn mươi năm đầy ý nghĩa, đầy tình người, đầy hoài niệm của quá khứ nhưng cũng đầy ước mơ cho tương lai. Chính quý vị là những người đã cùng chúng tôi đồng tâm và hiệp lực để chung tay tổ chức ngày quốc hận đánh dấu bốn mươi năm thật quy mô hầu lưu dấu mai sau ... Chúng tôi xin phép quý vị cho một tràng pháo tay thật lớn để cùng hòa nhau trong sự hiệp lực với tinh thần chống cộng mạnh mẽ của tất cả chúng ta.”

Sau nghi thức chào cờ là nghi lễ đặt vòng hoa. Đại diện các đoàn thể có: Cụ Trương Đình Sữu Hội Người Việt Cao Niên Vùng Vịnh, cụ Phạm Văn Tường Hội Diên Hồng Thời Đại, cựu Đại tá Trần Thanh Điền, cựu Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền, cựu Trung Tá Đỗ Hữu Nhơn đại diện Liên Hội Cựu Quân Nhân Bắc Cali, Ông Nguyễn Ngọc Tiên Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Bắc Cali, Ông Trương Thành Minh Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Bắc Cali, Ông Lê Đình Thọ TTK Liên Hội/CQN, Ông Thái Văn Hòa Hội CSQG, TS Nguyễn Hồng Dũng Ban Tổ Chức đặt vòng hoa tưởng niệm trước đài Tổ Quốc Ghi Ơn.
Bắt đầu chương trình văn nghệ tưởng niệm. Ông Nam Lộc và cô Thùy Dương, hai người điều khiển chương trình bước ra sân khấu. Ông Nam Lộc nhắc lại những câu chuyện, những dấu mốc thời gian, lý do mà người Việt có mặt khắp nơi trên thế giới. Và ý nghĩa của Ngày Quốc Hận. Thùy Dương chuyển ngữ cho các bạn trẻ.

Dường như tôi nghe đâu đó quanh tôi có những tiếng thì thào, có những tiếng nấc nhẹ, và không biết có bao giọt nước mắt rơi trong đêm nay khi đệm cho lời nói của người điều khiển thì trên màn hình liên tục chiếu nhiều hình ảnh. Một Sài Gòn hoa lệ với Dinh Độc Lập, đường Lê Lợi, đường Tự Do, Tòa Đô Chánh, những chiếc xe, những tà áo dài, những cặp tình nhân… để rồi tiếp sau đó là chiếc thuyền mong manh trên mặt biển bao la, người già khóc con, những người vợ khóc chồng, là tiếng khóc của trẻ thơ, những ánh mắt ngơ ngác của con lạc mẹ, vợ lạc chồng… những vòng kẻm gai trong trại cấm, hình ảnh người tù trong các trại “cải tạo” thảm cảnh sau ngày mất nước: 30/4/1075. Và đó là Quốc Hận.
Diễm Liên và Nguyên Khang bước ra với một liên khúc các nhạc phầm của Nam Lộc, Nguyễn Đức Thành, Trúc Hồ & Trầm Tử Thiêng…” để đêm đêm nhớ về Sài Gòn Thấy mình vừa trở lại quê hương, đã gặp người một trời yêu thương cho lòng thêm chút ấm. Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau, nhắc chuyện người chuyện đời thương đau Tình chia trong đêm sầu …” Phải chăng đó là tâm trạng chung của những người phải xa xứ bất đắc dĩ?

Đêm nhạc được dàn dựng có lớp lang, bài bản. Là một thời đất nước bị phân ly, người miền Bắc Việt Nam phải lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn. Nhạc bản Nỗi lòng người đi của Anh Bằng do Vũ Khanh trình bày đánh dấu thời kỳ thứ nhất. Rồi miền Nam thân yêu có một thưởu thanh bình, người người no ấm âu ca. Tâm tình đó được diễn tả qua các nhạc phẩm  “Tôi muốn và Tình hồng”  của Lê hựu Hà, Nguyễn trung Cang, Trưng Vương khung cửa mùa thu (Nhạc ngoại quốc/lời Nam Lộc) do Thanh Lan biểu diễn.

Những ngày thanh bình đó thật ngắn, đất nước bị đưa vào cuộc chiến tranh do cộng sản chủ mưu. Người dân phải tự đứng lên, tham gia vào việc mà họ không hề muốn để giữ gìn sự bình an cho dân. Những bản tình ca của một Việt Nam Cộng Hòa với các ca khúc trữ tình tràn ngập yêu thương, đầy ắp nhân bản của một thời chinh chiến. Kẻ ở miền xa của Duy Khánh, Đêm buồn tỉnh lẻ (Tú Nhi)  do Đan Nguyên trình bày, hoặc Mấy dặm sơn khê (Nguyễn văn Đông) do Ngọc Diệp diễn tả đã nói lên điều đó thật rõ.

Nhưng người Việt không chủ động được. Miền Nam đã mất vào tay cộng sản. Người Việt đành cắt ruột lìa xa để làm người lưu vong. Thủ đô yêu dấu, Sài Gòn thân yêu đã mất. Tiếp theo là liên khúc Sài Gòn ơi vĩnh biệt, Người di tản buồn của Nam Lộc do chính Nam Lộc trình bày đã làm người xem xúc động.
Đây có phải là tâm tình của những người Việt lưu vong hôm nay?
“Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời 
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời 
Sài gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về 
Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề 
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê 
Phố phường vạn ánh sao đêm 
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.”
Họ đã ra đi bằng những chiếc thuyền nhỏ. Đánh đổi mạng sống tìm 2 chữ tự do đã chấn động lương tâm nhân loại. Thuyền Nhân (boat People đã thêm vào tự điển của loài người. Nhưng người Việt lưu vong sẽ đau thắt ruột, con cháu sẽ bỡ ngỡ khi biết cha ông đã ra đi như thế nầy: 
“Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn 
Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương 
Anh chôn, chôn mối tình chúng mình 
Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương 
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non. 
Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương 
Ra đi trên chiếc thuyền 
Hy vọng vượt trùng dương 
Em đâu đâu có ngờ đêm buồn 
Bỏ lại em cay đắng thật thương 
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.”

Ca khúc Đêm chôn dầu vượt biển của Châu đình An do Diễm Liên trình bày gợi lại  niềm đau, ghi dấu một thời mà người Việt đem mạng sống đổi lấy tự do. Freedom is not free, có ai cảm nhận được nó bằng người Việt tị nạn?

Những ánh đèn quét ngang sân khấu tràn xuống khán giả đang hừng hực lửa đấu tranh. Những lá cờ Vàng phất cao lên, tuôn trào như những đột sóng thần nhấp nhô tràn tới, tràn tới càng lúc càng dồn dập. Và Sài Gòn ơi ta hẹn rằng ta sẽ về. Đó có phải chăng là ước muốn của người Việt tị nạn? Người xem đã không còn đứng ngoài, họ tham dự vào sự trình diễn, họ đã nhập làm một với người ca sĩ trên sân khấu, không còn biên giới giữa người xem và người biểu diễn. Sân khấu và khán giả đã biến mất để nhường chỗ cho những người Việt yêu tự do, những người Việt mất Sài Gòn dấu ái đang bày tỏ thái độ, đang nói lên sự mong chờ, niềm hy vọng của một ngày mai!

Đến vùng đất mới, xây dựng đời sống mới. Người Việt có một dòng nhạc nhân bản tiếp nối những ngày Sài Gòn còn hoa lệ còn là Hòn Ngọc Viễn Đông. Dòng nhạc “lưu vong” tự nó đã là tiếng nói của con người từ trong đớn đau vươn lên. Dòng nhạc tình trên đất mới với: Chừng như em quanh đây (Nguyễn hoàng Duyên) do Hoàng Hiệp trình bày. Tiễn đưa (Lê Đức Long) Quốc Khanh hát.
“Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” có phải đó là khẩu hiệu khích động của những người cộng sản xúi giục dân chúng nổi loạn hầu lợi dụng? Nhưng người cộng sản không bao giờ biết rằng “gậy ông đã đập lưng ông”. Người Việt Nam không bao giờ chịu áp bức. Người Việt Nam muốn tự do. Những nhạc phẩm: Anh là ai? Việt Nam tôi đâu? (của Việt Khang) là những tiếng nói bất khuất phát ra từ trong nước. Những nhạc phẩm này do Đan Nguyên, Quốc Khanh, Nguyên Khang đã làm người nghe xúc động. Cả hội trường rạp hát bừng lên ngọn lửa đất tranh.

Đêm đã về khuya, dòng nhạc trở về với chủ đề NHẠC TƯỞNG NIỆM 30 THÁNG TƯ.
Rồi tất cả các ca sĩ cùng kết thúc đêm nhạc bằng ca khúc Triệu con tim (Trúc Hồ) Đại diện BTC, anh Nguyễn Hồng Dũng bước ra nói lời cảm và hẹn một ngày về đem lá cờ Vàng hát tại Sài Gòn.

Mỗi một bài được trình bày trong đêm nay đều mang một ý nghĩa, một kỷ niệm, một đoạn đường. Dù là tình ca, hay chôn dầu vượt biển là nỗi nhớ về Sài Gòn. Tất cả là lời của người lưu vong, mang dấu ấn của người mất nước, tiếng thổn thức của kẻ mất quê hương qua hình ảnh “Sài Gòn” đã mất tên. Nhưng trong đó ẩn chứa một lời thề sắt đá 
“Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề 
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê 
Phố phường vạn ánh sao đêm 
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên….”
Lê Bình
Photo Courtesy: Cali Today/Trương Xuân Mẫn
Ngưồn : baocalitoday.com






__._,_.___

Posted by: tuong pham 

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List