QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

Image result for Tháng Tư năm 1975 -----

==== ====



Tuesday, April 30, 2013

NGÀY 30 THÁNG TƯ ĐEN



 

NGÀY 30 THÁNG TƯ ĐEN


Nhựt Trọng



Vẫy tay chào Linh, người vợ thương yêu, lần chót; Chung mang gói hành trang đi nhanh vào cổng trường Chu Văn An với tâm trạng buồn đau, hoang vắng! Ngày 30 tháng 4 Đen đã đi vào lịch sử đau thương của Dân tộc! Nước mất, nhà tan.
 
 Trong nỗi bàng hoàng tủi nhục của người thất trận, cùng với bao nhiêu chiến hữu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Chung đã bước chân vào ngưỡng cửa tù “cải tạo”, mà người ta trau chuốt với mỹ danh là... đi học tập!
 
 Mấy ngày đầu tiên tại đây, người ta đã “chiêu đãi` những người tù “cải tạo” rất “lịch sự”!` Thức ăn do các nhà hàng tại Saigon nấu; Họ đặt bàn tươm tất và có cả các cô “chiêu đãi viên” trẻ đẹp nữa! Rồi người ta ghép vào tổ, đội và thông báo sẽ được chuyển đến một nơi đầy đủ tiện nghi hơn để “học tập”!


Khoảng giữa khuya đêm thứ ba, người ta đánh thức tất cả dậy, ra lệnh đem theo toàn bộ “quân trang”, tuyệt đối giữ yên lặng và lần lượt xuống sân. Bên ngoài, hàng loạt xe Molotova đã xếp hàng tề chỉnh. Với giọng the thé rợn mình, người ta gọi tên theo từng tổ, đội lên xe. Khi đủ số cho một xe, tấm bạt phía sau được phủ xuống như cánh cửa ngục tù đã khép kín! Vệ binh với đầy đủ súng đạn ngồi trước và sau xe!


Ðoàn xe khởi hành! Qua kẽ hở rất nhỏ cố nhìn ra ngoài, các người quen đường nhận ra là xe đang chạy về hướng Tây Ninh. Có lúc đoàn xe qua khỏi Tây Ninh và đã đến gần biên giới Kampuchia! Có tiếng nói nhỏ với nhau: Chắc tụi nó đưa mình qua Kampuchia! Ðể làm gì? -Tù đày hay thủ tiêu?! Nhưng thế nào cũng được; vì thân cá chậu, chim lồng!


Trong lúc đang hoang mang thì có một chiếc xe Jeep chạy vượt nhanh lên và mọi người nghe được tiếng hô to: Ði nhầm đường rồi! Ðoàn xe quay đầu trở lại và tờ mờ sáng hôm sau thì đến Trảng Lớn, Tây Ninh, gần chân núi Bà Ðen!
 
Trong một căn cứ quân sự rất lớn của Mỹ, giờ đây đã hoang tàn, đổ nát; Chung và các người đồng cảnh ngộ được phân phối vào các dãy nhà xiêu vẹo để ở tạm! Người ta phát cho gạo mục với muối đã trở màu đen! Vật dụng thì từng người phải tìm kiếm trong các đống sắt vụn, các lon đồ hộp đã rỉ sét, các Bi-đông, Gà-mên, quân dụng phế thải!


Rồi tù nhân phải tu sửa lại chỗ ở, làm bếp núc, đi gỡ vỉ sắt sân bay đem về để làm nhà! Trong thời gian nầy đã có những người thiệt mạng vì bị cây đè, nhà sập hoặc vì chưa có kinh nghiệm, nấu nước bằng thùng đạn mà đậy kín nắp; Khi áp suất lên cao, thùng nước nổ tung gây thương tích và không có điều kiện, thuốc men cấp cứu!

Ngoài những giờ học tập chính trị thật nặng nề, người tù cải tạo phải lao động để mưu sinh, phải trồng trọt hoa mầu, gọi là “gia tăng”! Nhiều khi, anh em phải giành nhau những thùng nước tiểu để tưới cho luống rau, liếp cải của tổ đội mình đạt được “chỉ tiêu”!


Có dịp nhắc về những ngày tù “cải tạo”, qua ánh mắt đăm chiêu, Chung kể lại: Vào một buổi chiều, bầu trời Trảng Lớn âm u, vần vũ, mưa rơi lất phất; buồn lạnh như cõi lòng những người tù cải tạo đang nhớ về vợ con, gia đình và âu lo cho số phận của mình! “Lệnh Tiểu đoàn”: Cho 3 người đi công tác! Ðến phiên Tổ 32, kế Tổ của Chung, ba người cầm dao búa lên đường! Chỉ 20-30 phút sau, anh em nghe tin là có người chết vì bị cây đè! - Lại “lịnh Tiểu đoàn”: Cho thêm 3 người với cuốc, xẻng đi công tác!


....Hoàng hôn hôm đó, năm người tù “cải tạo” đã đào huyệt, quấn vội thi hài người bạn xấu số của mình trong chiếc chiếu con và chôn vào lòng đất! Trời Trảng Lớn buồn mênh mang! Một kỷ niệm đau thương đã ghi đậm vào tâm tư những người tù “cải tạo”, chắc không bao giờ phai nhạt được!


Một năm sau, anh em được lệnh chuyển trại! Phải đem theo toàn bộ quân trang!: “Các anh sẽ được đi đến một nơi tốt hơn để học tập! Nồi niêu, soon chảo, thùng đựng nước, dụng cụ lao động... gom hết lại để trước nhà; sẽ có một bộ phận mang đến cho các anh”! Thật ra, từ việc lớn cho đến việc nhỏ, tất cả đều là lời nói phỉnh phờ, gian dối! Vì khi đến địa điểm mới, anh em chỉ có đôi bàn tay trắng và mọi người phải làm lại từ đầu để tạo các vật dụng cần thiết cho cuộc sống!

Ðoàn xe vượt rừng, băng qua các đoạn đường gồ ghề, khúc khuỷu, chạy suốt 4-5 tiếng đồng hồ mới đến một căn cứ trong khu rừng Katum! Một số anh em khác, được “biên chế” vào trại Ðồng Ban, gần Tây Ninh hơn! Vừa đổ xuống một cái trảng thì trời sắp mưa. “quản giáo” ra lệnh: “Các anh khẩn truơng vào trại”. Ðúng vậy! Dù sao, họ cũng đã quen viới cái mưa nắng của miền rừng núi chiến khu D nầy! Anh em chưa kịp chen chúc vào trong những căn nhà lá lụp xụp tối tăm thì cơn mưa trút xuống như thác đổ!.


Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua. Suốt một năm ở đây, người tù phải vào rừng sâu để đốn cây đem về làm nhà ở, xây cất “doanh trại” cho “bộ đội”, cho “quản giáo”, đào giếng, trồng trọt, nuôi heo... Một hôm, Chung có công tác đi vào rừng để đốn một số cây theo qui định, đem về làm rui lợp nhà!.
 
Lãnh một ổ bánh làm bằng bột củ mì, tay cầm cái búa do anh em làm ra, Chung lặng lẽ lên đường. Rẽ vào một khu rừng theo con đường mòn quen thuộc, Chung ghi dấu để nhớ lúc trở ra. Mải miết tìm cây cho đúng “tiêu chuẩn”, chặt đốn và lột vỏ xong, Chung dùng dây mây buộc lại. Ăn vội mẩu “bánh mì”, uống vài ngụm nước trong chiếc Bidon nhà binh rất cũ, mà những khi đi lao động, lúc nào Chung cũng mang theo như là một vật “bất khả ly thân”; Chung vác bó cây ra về!


Khí hậu mùa hè oi bức, bó cây đè nặng trên vai, Chung lách mình qua các chòm cây, vạch các sợi dây leo chằng chịt để đi. Một lúc sau, nhìn lại thì cảnh rừng lạ quá! Có lẽ mình đã qua khỏi con đường mòn lúc vào rồi! Chung quay trở lại, nhưng không còn tìm ra lối cũ! Bây giờ Chung phải định hướng mà đi; Nhìn thân cây để tìm hướng Ðông, suy ra hướng Tây.
 
 Lầm lũi đi cả tiếng đồng hồ mà không thấy lối ra. Bắt đầu thấm mệt, Chung phải bỏ bớt một vài cây. Lại đi tiếp và cuối cùng, mệt quá, Chung phải vứt bỏ tất cả, chỉ còn giữ lại chiếc búa để phòng thân!


Lúc vào hướng Ðông; trở ra phải đi ngược về hướng Tây! Một ánh sáng lóe lên, bóng nắng chiều ửng đỏ trước mặt, Chung đi một lúc nữa thì ra đến một cái Trảng. Từ đó Chung định hướng đi về trại !

Ở rừng Katum nầy, cũng có vài mẫu chuyện vui vui, như chuyện “Con Lân bôi bác” mà Chung rất tâm đắc khi được đọc qua trong quyển truyện “Chờ chết” của Tác giả Nguyễn Nghĩa do Xuân Thu xuất bản!


Chung đắc ý với chuyện “Con Lân bôi bác” vì Chung là người đã chứng kiến: Tết Ðinh Tỵ 1977, người tù cải tạo cũng được liên hoan mừng Xuân mới! Nhân cơ hội nầy, anh em tại Tiểu Ðoàn 2 có ý làm một con Lân thế nào cho có ý nghĩa! Với những cọng mây rừng uốn cong lại rồi chỉ phất lên vài mảnh giấy và bộ râu bôi bác là xong!


Nhìn con Lân “bôi Bác” thật ! Tên “Chính ủy” T2 trông thấy, đã giũa cho một trận rồi. Vậy mà, khi Tiểu Ðoàn bên cạnh liên hoan; đang hiện diện đông đủ các Cán bộ, Chính ủy, Tiểu đoàn trưởng và ....tù viên, con Lân lại xuất hiện! Ông ta cáo lên và quát to: Cút ngay, cút ngay! - Hình ảnh con Lân bôi bác và ẩn ý còn ghi đậm mãi trong tâm tư của mọi người!


Ở đây cũng có qui định: Ngày Chủ nhựt, trước khi được nghỉ ngơi để làm vệ sinh cá nhân, tắm giặt, viết thơ về gia đình, anh em còn phải ... “gia tăng”. Người thì lãnh phần “thu hoạch” 15-20 mét cây làm củi, người thì vào rừng bẻ măng để nộp cho nhà bếp. Một hôm, Chung nhận công tác đi bẻ măng, “chỉ tiêu” là đầy một bao cát! Trời lất phất mưa, đầu đội chiếc nón tai bèo, vai mang cái túi nylon, tay cầm con dao nhỏ, Chung lầm lũi đi nhanh vào khu rừng tre. Mùa mưa tháng sáu, măng rừng lên soi sói, thật tươi! Nhưng muốn bẻ được măng, người ta phải tìm một chỗ trống chui vào đến gần gốc mới có măng non!
 
Rồi cứ bò lom khom mà xắn măng cho vào túi. Mãi mê với những cây măng và liên tưởng đến gia đình, khi nhìn lại, Chung thấy một con rắn mình to bằng ngón chân cái đang quấn vòng qua cánh tay, đầu của nó gần sát vào mặt. Chung thầm nghĩ: Nếu bị giựt mình, nó sẽ mổ ngay vào mặt và ở đây, không có ai hay được để cứu chữa! Hết sức bình tĩnh, Chung vung tay thật mạnh, con rắn bị quăng ra xa, nhưng tay Chung cũng bị buốt đau vì chạm phải thân tre bên cạnh! Rồi công tác cũng hoàn tất và một ngày cuối tuần trôi qua!


Lao động nhọc nhằn, tinh thần đè nặng hoang mang vì không biết đời mình sẽ ra sao! Nhưng cái vất vả, nhọc nhằn của chân tay cũng không bằng những giờ phút tẩy não qua mỹ từ “học tập chánh trị”! Cũng không bằng những buổi trưa hè hoang vắng, những hoàng hôn bảng lảng, ngồi dưới một tàn cây cổ thụ trong rừng hay những đêm tỉnh giấc sau một cơn mơ... nhớ về gia đình, cha mẹ, vợ con ...!


Mấy trăm ngày đêm nặng nề nơi miền rừng núi Katum nầy lặng lẽ trôi qua! Một hôm, khoảng trên 100 anh em được lệnh chuẩn bị quân trang để chuyển trại! Từ giã bạn bè trong niềm thương kẻ ở người đi. Rồi trải qua một đêm bàng hoàng xao xuyến, các anh em, trong đó có Chung, được vệ binh hướng dẫn ra một cái trảng. Tâm trạng của những anh em nầy cũng như những người còn ở lại, đang lao động quanh đây hết sức kinh ngạc vì nhìn thấy bóng dáng lô nhô của những tên công an, sắc phục màu vàng, trang bị súng AK và K54 mới “cáu cạnh”! Bên con đường mòn là những chiếc xe Molotova bịt kín. Tất cả ẩn chứa một cái gì vô cùng bí mật!
 
Sau thủ tục điểm danh và kiểm tra lại lý lịch, anh em được lần lượt gọi lên xe. Khi đủ số thì tấm bạt phía sau được đóng lại. Mỗi xe có một Trưởng xa ngồi phía trước với K54 và hai vệ binh ở phía sau, tay ôm chặt các khẩu AK! Ðoàn xe băng qua những đoạn đường mòn quanh co, khúc khuỷu, rồi chạy ngang Trảng Lớn. Có người tưởng là mình bị chuyển trở về đây; nhưng đoàn xe không dừng lại mà chạy về hướng Saigon. Ði đâu đây? -Về Suối Máu hay Phước Long? - Không! Ðoàn xe hướng về Bình Tuy rồi rẽ vào một khu rừng kè. Bọn Chung được hướng dẫn vào gần một con suối, ở đây chỉ có vài dãy trại đơn sơ!


Anh em lại phải đi vào rừng sâu đốn cây về cất trại để ở, làm nhà kho, làm bếp, đào giếng; Rồi canh tác, gia tăng, làm gạch, xây tường với hồ bằng đất! Cũng có người lao động ở trại cưa cây, xẻ gỗ. Mấy tháng sau, khu cải tạo Z30C nầy đã có một doanh trại khá khang trang được tạo dựng bằng biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt!


Chung cũng nhớ hoài một mẫu chuyện vui vui, tếu tếu! Ở đây, trong thời gian chưa đào giếng, anh em phải tắm giặt trên một giòng suối. Có những khi trời không mưa, mực nước cạn dần, mọi người phải tìm từ vũng nước để vừa tắm vừa giặt thật nhanh chiếc áo cho đỡ mùi mồ hôi vì lao đông nhọc nhằn; còn chiếc quần thì ít khi có thời gian để cởi ra mà giặt giũ! Với ý mĩa mai thế nào, mà tục ngữ dân gian Việt Nam có câu: “Làm cho lắm, tắm cũng ở truồng”! Lúc đó, anh em đã đổi lại: “Làm cho lắm, tắm cũng không được ở truồng” là do vậy!


Giữa chốn rừng sâu hoang dã nầy, Chung cũng đã chứng kiến một cái chết thật thương tâm! Một hôm, khi đi ngang qua cái hố bom, bây giờ đã trở thành ao nước, mấy anh em nhìn thấy quần áo của ai để trên bờ. Sinh nghi, anh em đến quan sát thì phát hiện một người bạn tù ngất xỉu dưới ao! Tri hô lên và đem về trại để cứu chữa, nhưng y tá ở đây nói là không còn kịp nữa!
 
Dù vậy, các bạn của anh vẫn xin “còn nước còn tát”! Nhiều người đã luân phiên làm hô hấp nhân tạo và tiếp hơi bằng miệng cho anh! Hình ảnh biểu tỏ tình chiến hữu và sự hết lòng giữa những người cùng chung cảnh ngộ thật vô cùng cảm động! Nhưng cuối cùng, anh em cũng không thể giành được mạng sống của ngưòi bạn tù bạc mệnh ra khỏi bàn tay oan nghiệt của tử thần!


Trong thời gian sống ở đây, nhiều khi anh em cũng thấy vui vui với những mẫu chuyện đơn sơ mà ý nhị:


Có một buổi tối, trong khi đang xếp hàng để điểm số và đi vào trong lán; một anh bạn cao hứng vừa đi vừa hát nho nhỏ bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng” : Chân ta bước lòng ung dung tự hào!... “quản giáo” nghe được, quát lên: Anh hát cái gì? Anh vẫn tự hào đấy à? Và kết quả là sau đó, cả trại phải lên lớp, “học tập... cải tạo” suốt mấy tuần!


Một câu chuyện khác mà Chung nhớ mãi và rất thích thú: Một hôm, anh em đang lao động, đứng thành một hàng dài để chuyển cát từ dưới một dòng suối lên bờ. Vào mùa nầy, ở đây có những cây gì Chung không biết tên, cũng không biết người ta trồng hay nó tự mọc mà hoa đang nở rộ và rơi xuống phủ đỏ cả bờ cát trắng như những xác pháo hồng.
 
Trong lúc nghỉ giải lao, “quản giáo” ra lịnh hát bài “Quốc Tế Ca”. Anh em vừa ể oải hát đến câu: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn”.... thì xa xa, bên kia bờ suối, có mấy người thường dân, ăn mặc rách rưới tả tơi đang mò nghêu, bắt ốc! Không hẹn mà mọi người cùng chỉ tay về phía họ và mỉm cười!


Bên cạnh những nỗi buồn sâu nặng và một ít niềm vui nho nhỏ, Chung cũng học được một vài kinh nghiệm về “Phong thủy” hay hay! Số là trong tổ của Chung, từ hồi còn ở Trảng Lớn, có một anh bạn “ Chiêm tinh gia”.
 
Tính tình hiền hậu, trầm tư. Lúc nào anh cũng mang kiếng cận và đôi mắt, cái nhìn của anh như rọi thấu nội tâm của người đối diện! Anh có dáng dấp một nhà chiêm tinh thật sự! Ở đây, việc xem quẻ, bói toán, nói về tôn giáo, võ thuật v...v... là những điều cấm kỵ! Bản tính của Chung cũng không ưa những điều mê tín dị đoan. Tuy nhiên, trong những giờ phút sống bên nhau, trong tình thân thương, tin cậy, anh đã tâm tình với Chung những điều rất chính xác:


Chưa hề đến nhà Chung, nhưng anh biết phòng ngủ của Chung đã đặt chiếc giường không đúng cách; thay vì trở đầu vô vách thì Chung đã đặt quay ra ngoài đường, có nhiều xe cộ chạy ngang qua và người đi lại ồn ào, náo nhiệt! Vì vậy, Chung không thể ở lâu trong nhà nầy và anh ta còn tiên đoán là sau khi trở về, Chung cũng không ở được! Ðiều nầy rất đúng với Chung từ việc quá khứ cũng như vị lai!


Kinh nghiệm thứ hai: Một lán trại bề dài khoảng 50 mét. Ở cuối dãy là nhà bếp, với mấy cái hỏa lò thật to. Có lúc, vì số người tăng lên, không đủ chỗ nên người ta phải cất tiếp thêm cho dài ra. Anh ta đã nói nhỏ với Chung: “Ai nằm ngay trên nền bếp cũ sẽ gặp nhiều điều bất an! “Thật vậy, hai anh bạn bắt thăm trúng hai chiếc giường tại đó đều bị một cơn bịnh thập tử nhứt sanh và vừa thuyên giảm, cả hai lại bị chuyển trại lúc nửa đêm! Sau nầy nghe các bạn kể lại, hai anh đã bị chuyển đi nhiều nơi, với nhiều gian khổ, hãi hùng!


Ở trong tù “cải tạo”, không ai có thể biết trước ngày mai của mình, nhưng lúc nào những người ngã ngựa sa cơ cũng vẫn hằng mang một tình cảm nhớ thương gia đình tha thiết! Ai cũng có trong mình một tấm hình của vợ, của con....và vào những khi đơn côi nhứt, như giữa một khu rừng, dưới một tàn cây cổ thụ hoặc bên bờ một hố bom hoang vắng, họ đã âm thầm nhìn ảnh người thân và nhớ về những kỷ niệm đã qua, mong mỏi ngày về sum họp đoàn viên!


***********


Trong ánh mắt xa xăm, gợn buồn; Chung kể lại cho gia đình, bạn hữu nghe về một người bạn tù thân thiết của mình: Anh ta tên Niên, Lúc Chung còn ở Katum, anh làm mộc, cất nhà rất giỏi. Tính tình hòa nhã dễ thương! Có lần đến thăm nuôi, gia đình đã xin phép “quản giáo” làm lễ đính hôn cho anh với cô bạn gái mà hai người đã quen nhau trước ngày Quốc nhục 30.04.75! Dĩ nhiên là không được. Anh ta cũng từng nâng niu, trân quý tấm ảnh của “Người vợ không bao giờ cưới” của mình!


Sau khi Chung chuyển trại về Bình Tuy, một hôm, Niên đang lao động, anh ngồi trên một cây xiên, dùng búa thồ để đóng một đầu kèo vào cột. Chẳng may, anh bị vuột tay, theo đà chiếc búa nặng, anh đâm đầu xuống đất! Nghe các bạn kể lại, lúc đó cái đầu của Niên như thục sâu vào hóc cổ!
 
Anh cũng được đưa vào bịnh xá, nhưng ở trong rừng Katum nầy và thân phận tù nhân, làm sao có được thuốc men, phương tiện để cấp cứu một trường hợp nguy nan như vậy! Bụng Niên trương dần lên, Anh nằm mê man mấy ngày rồi trút hơi thở sau cùng! Ðất rừng Katum lại ôm ấp thêm thi hài của một người tù “cải tạo” bạc phước tên Niên và người con gái “đính ước” với anh, hẳn là “Người vợ không bao giờ cưới” của Niên vậy!


Gần một ngàn ngày đêm sống trong nhục nhằn buồn tủi, lo âu; Chung đã ghi đậm vào tâm khảm biết bao nhiêu nỗi nhớ, niềm thương, biết bao nhiêu chuyện buồn sâu nặng! Rừng núi Katum, Trảng Lớn, Bình Tuy, cũng chứng kiến biết bao nhiêu truân chuyên, gian khổ, đã nhìn thấy những giọt mồ hôi và nước mắt của người tù “cải tạo” chan hòa!


*********


Cùng với thời gian, mọi việc rồi cũng trôi qua, ngày về cũng đến! Trên chuyến xe đò xuôi về Saigon, lòng Chung xao xuyến, nôn nao! Hình dung giờ phút gặp lại vợ con, mừng mừng, tủi tủi qua ngấn lệ đoàn viên, hay là thân phận của người thất thế sa cơ lại phải tiếp tục gánh chịu đau buồn vì nhân tình thế thái !
 
Có người biết Chung là tù “cải tạo” trở về, họ đã.... khóc và có nhã ý giúp Chung tiền xe! Chung đã gặp lại tình cảm thương yêu, lòng nhân hậu của con người! Thế nhưng, sau cuộc “Ðổi đời” nghiệt ngã, trong những năm tháng giao thời, đầy nỗi hoang mang, lo âu, vội vã; đã có biết bao nhiêu mẫu chuyện “thay thuyền đổi bến”! Ngày về trống vắng buồn tênh!


Không thể sống dưới sự hà khắc, đọa đày, thù hằn, phân biệt.... Không thể cam tâm nhìn thấy một xã hội đầy tha hóa! Hàng triệu người Việt Nam đã dũng mãnh đứng vào một chiến tuyến. Họ tham gia một cuộc đầu phiếu thầm lặng mà vô cùng thiết tha, vô cùng ý nghĩa; Họ đã mạnh dạn bỏ lại sau lưng tất cả: tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, băng rừng, vượt biển quyết tìm hai chữ Tự do!


Ðã có không biết bao nhiêu người gục ngã trong rừng sâu hay vùi chôn thân xác trong lòng biển cả! Nhưng với ý chí sắt son, những người vượt thoát đã đến bến bờ tự do và đã xây dựng thành công một Cộng đồng Người Việt Nam Tỵ Nạn Cộng sản ở Âu Mỹ, Úc Châu...


Là một thành viên trong Cộng đồng Người Việt Nam Tỵ Nạn Cộng sản, và cùng mang chung lý tưởng; Ðể đánh dấu một quãng đời 35 năm ly hương, viễn xứ, Chung muốn chia xẻ hoài niệm của mình đến tất cả mọi người Việt Nam thân thương. Hy vọng, những mẫu chuyện, những nhân vật có thật, những địa danh Trảng Lớn, Ðồng Ban, Katum, Z30C.... cùng tất cả tâm tư tha thiết của Chung được gởi đến Ðồng bào, Ðồng hương; đặc biệt, những người bạn tù, một thời đã cùng chung cảnh ngộ, giờ đây đang lưu lạc khắp nơi trên thế giới!


Nhựt Trọng

 

 

 

__._,_.___

2 comments:

  1. Hi mates, its great article on the topic of teachingand completely explained,
    keep it up all the time.

    ReplyDelete
  2. I know this if off topic but I'm looking into starting my own weblog and was curious what all is needed to get setup?
    I'm assuming having a blog like yours would cost a pretty penny?
    I'm not very internet smart so I'm not 100% positive.
    Any suggestions or advice would be greatly appreciated.

    Thanks

    ReplyDelete

Những Sự Thật Cần Phải Biết

Featured Post

BẠN TÔI: ĐẠI ÚY TRẦN QUANG HIỆP

 https://www.facebook.com/groups/160591528349491/permalink/723350692073569/ https://www.youtube.com/watch?v=oqhFQFR2-JM Chuyện Xứ Xã Nghĩa r...

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List